Nội dung chính
- 1Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nhận định, người dân phát hiện hoặc bị lừa mua đồ ăn thức uống không đảm bảo chất lượng trên mạng mà im lặng không phản ánh, thì cũng giống như đồng lõa với kẻ xấu.
- 1..1Phụ huynh băn khoăn khi học sinh dùng điện thoại đặt đồ ăn
- 1..2Quy định thế nào với việc bán thực phẩm qua mạng?
Hotline tư vấn: 0909 730 849
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nhận định, người dân phát hiện hoặc bị lừa mua đồ ăn thức uống không đảm bảo chất lượng trên mạng mà im lặng không phản ánh, thì cũng giống như đồng lõa với kẻ xấu.
Sau khi các vụ việc học sinh nghi ngờ ngộ độc tập thể liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiều ý kiến bày tỏ sự bất an cho sức khỏe con em mình, khi thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng vẫn bủa vây học đường.
Đáng chú ý, một số phụ huynh cho biết, họ lo lắng nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ đến từ căng tin, bếp ăn trường học hay hàng rong bán ngoài cổng, mà còn là các thức ăn học sinh có thể mua được qua mạng.
Phụ huynh băn khoăn khi học sinh dùng điện thoại đặt đồ ăn
Chị Ngọc Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) tâm sự, bản thân là mẹ của 4 trẻ từ 3 đến 15 tuổi, và các con hầu hết đều thích ăn bên ngoài hơn ở nhà. Do đó đôi khi, người mẹ này cũng đặt đồ ăn trên mạng cho con.
Theo chị Nga, thức ăn bán qua mạng có ưu điểm là đa dạng nên dễ lựa chọn, dễ đặt, phù hợp khẩu vị bé và nhất là giao đến tận nơi rất tiện lợi. Tuy nhiên gần đây, đọc báo thấy đưa rất nhiều thông tin về ngộ độc, mất ATTP từ những loại đồ ăn vặt bán từ nhiều nguồn trôi nổi, khiến người mẹ rất quan ngại.
“Bản thân tôi khi mua thực phẩm trên mạng cũng tìm những trang uy tín, được review (đánh giá) tốt, do người quen giới thiệu, nhưng nguồn gốc thực phẩm như thế nào thì vẫn là ẩn số.
Riêng các bé đi học, tôi đã đăng ký ăn sáng và ăn trưa, ăn xế tại trường, nhưng con vẫn có tiền tiêu vặt và có điện thoại thông minh sử dụng. Nếu bé đặt đồ ăn tiện lợi qua ứng dụng hoặc đặt mua đồ ăn trước cổng trường, chúng ta không thể kiểm soát hay cấm đoán được, vì các bé sẽ đặt câu hỏi, so sánh với các bạn khác…”, chị Nga nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, việc mua hàng qua mạng hiện nay là vấn đề rất nhức nhối, không riêng gì ngành thực phẩm mà còn ở tất cả các ngành nghề khác.
Mặc dù bán hàng qua mạng là một tiến bộ và là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, khi rất tiện lợi và giúp tiết kiệm chi phí, nhưng lại đi kèm bất cập trong khâu kiểm soát. Nhiều tình huống, giữa người bán và người mua chỉ bảo đảm vấn đề vệ sinh ATTP bằng “niềm tin”.
“Trong một số trường hợp, chúng tôi cũng đã làm được việc kiểm soát thực phẩm bán qua mạng. Như trong mùa Trung thu chẳng hạn, theo thông tin từ một số người quảng cáo bán bánh trung thu trên facebook rất hấp dẫn, nhưng khi đoàn đến kiểm tra thì phát hiện nguyên liệu họ mua không rõ nguồn gốc, cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh ATTP, quy trình không bảo đảm và thuế không đóng. Điều này rất bất công đối với những cơ sở đang làm đúng quy định”, bà Phong Lan dẫn chứng.
Quy định thế nào với việc bán thực phẩm qua mạng?
Giám đốc Sở ATTP TPHCM nhận định, để kinh doanh đồ ăn thức uống qua mạng, người bán cần làm thủ tục tự công bố sản phẩm, để cơ quan chức năng công khai cho người dân được biết. Điều này không chỉ chứng minh nguồn gốc sản phẩm mà còn là cách để xây dựng thương hiệu, giúp khách hàng tin tưởng lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên hiện nay, quy định về vấn đề này còn chưa rõ ràng.
Ở chiều ngược lại, có những khách hàng dù bị lừa đảo, hàng hóa, thực phẩm nhận được không đúng như lúc đặt mua nhưng mang tâm lý “bỏ qua cho xong chuyện”, thay vì tố giác đến hội bảo vệ người tiêu dùng hay các cơ quan chức năng, khiến sự việc không được nắm bắt để xử lý.
“Bạn mua thực phẩm bẩn thì kiện đến Sở ATTP, mua thuốc kém chất lượng thì kiện với Sở Y tế. Nếu mọi người đều im lặng là đồng lõa với kẻ xấu, vì một khi người ta đã lừa bạn rồi thì sẽ còn lừa nhiều người khác nữa”, Giám đốc Sở ATTP TPHCM thẳng thắn chia sẻ.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật Gia đình, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, mặc dù hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm soát vệ sinh ATTP trong hoạt động thương mại ở Việt Nam tương đối phong phú nhưng còn chưa đồng bộ, mâu thuẫn và chồng chéo.
Kế đến, phần lớn người bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Về phía người tiêu dùng, không ít người chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình, còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo.
Do đó, dù là sản phẩm nhà làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng cần có quy định về quy trình quản lý ATTP trên môi trường thương mại điện tử, cũng như việc cung cấp hàng hóa online đến người tiêu dùng, để người sản xuất – kinh doanh tuân thủ.
Luật sư Hùng nêu 2 kiến nghị, giải pháp về vấn đề trên. Một là, cần thực hiện công tác rà soát pháp luật về kiểm soát ATTP, như rà soát và bổ sung quy định về hình thức, điều kiện và tiêu chuẩn kinh doanh trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử một cách có hệ thống và đa dạng, tổng quát hết tất cả các đối tượng.
Hai là, sửa đổi một số điều của pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát ATTP, làm cơ sở để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện pháp luật về kiểm soát ATTP. Trong đó chú trọng hơn nữa việc phân cấp quản lý, tránh chồng chéo giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Trong đó, có nội dung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng ở các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng”, luật sư Hùng thông tin.